Thể dục thường xuyên, hạn chế đường hay uống nước đều đặn… rất tốt cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu không biết điểm dừng của những thói quen đó, bạn sẽ khiến cơ thể gặp rắc rối.
Ngủ ít hơn để tập thể dục
Tập thể dục vào buổi sáng là một trong những thói quen tốt cho sức khỏe. Nó phù hợp với dao động hormone tự nhiên của cơ thể, giúp tập trung, tâm trạng tích cực suốt ngày và điều chỉnh sự thèm ăn. Tuy nhiên, nếu vì muốn thể dục mà dậy sớm, dẫn đến thiếu ngủ sẽ phản tác dụng.
Hạn chế ngủ liên quan đến việc gia tăng cảm giác đói và kích thích ăn vào, dễ dẫn đến tăng cân, béo phì.
Tập thể dục mỗi ngày
Nên dành một ngày để nghỉ ngơi sau mỗi 7-10 ngày thể dục đều đặn để giúp cơ thể sửa chữa các vết rách nhỏ trong mô cơ, tái cân bằng mức axit lactic và glycogen. Một ngày nghỉ ngơi giúp cơ bắp phát triển mạnh mẽ hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
Ngủ quá nhiều
Thiếu ngủ gây hại cho sức khỏe và ngủ quá nhiều cũng làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh mãn tín như bệnh tim mạch vành, tiểu đường, lo âu và béo phì ở người lớn.
Nếu bạn thấy 7-8 giờ ngủ mỗi đêm là không đủ hoặc thấy mệt mỏi sau một đêm ngủ ngon, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ.
Ăn không đủ chất béo
Chất béo là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh và là chất cơ thể rất cần. Chúng giúp hấp thụ vitamin, hỗ trợ sự phát triển của tế bào, sức khỏe của não và mắt, chữa bệnh và sản xuất hormone. Chúng là nguồn cung cấp năng lượng tốt nhất cho cơ thể.
Nếu thấy uể oải, thường xuyên đói, đau khớp hoặc bị cảm lạnh nhiều hơn bình thường, bạn có thể muốn ăn nhiều chất béo lành mạnh hơn. Những chất béo này thường trong pho mát và trứng, bơ ô liu hoặc dầu hạt cải, quả hạch, quả bơ,…
Chỉ cần cố gắng tránh chất béo chuyển hóa từ dầu hydro hóa thường được tìm thấy trong thực phẩm chế biến là được.
Không ăn đường
Hạn chế đường làm giảm nguy cơ tiểu đường, lão hóa chậm hơn, ngủ ngon hơn và giảm cân. Nhưng đường là một phần của chế độ ăn. Vì vậy, thay vì cắt hoàn toàn, bạn chỉ cần chọn trái cây nguyên quả, không uống nước trái cây pha đường hoặc bánh quy.
Ăn salad thay thịt
Nếu làm no bụng bằng món rau, bạn không nạp đủ lượng protein, thứ giữ vai trò quan trọng trong việc tạo và duy trì mọi tế bào trong cơ thể. Nếu không có nó, chúng ta có thể mất khối lượng cơ, hệ thống miễn dịch, tóc và móng tay cũng yếu hơn.
Ăn ít protein sẽ khiến bạn thấy đói và kém ngon miệng. Chế độ ăn giàu protein giúp tăng cường trao đổi chất và giảm lượng calo cũng như cảm giác thèm ăn.
Uống quá nhiều nước
Tình trạng thừa nước rất nghiêm trọng. Nó xảy ra khi lượng muối và các chất điện giải khác trong cơ thể trở nên quá loãng, làm ảnh hưởng đến các chức năng thường xuyên của cơ thể.
Nếu gần đây bạn thay đổi thói quen và thấy buồn nôn, đau đầu, bối rối, mất phương hướng, nên tìm đến bác sĩ.
Nhật Minh (Theo Brightside)