Dự báo EVFTA sẽ giúp thịt nguội châu Âu rộng cửa vào Việt Nam, các nhà sản xuất Pháp đang tích cực thâm nhập thị trường.
Lãnh sự quán Pháp tại TP HCM sáng 6/5 cho biết bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thịt nguội của châu Âu vào 3 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Singapore và Thái Lan năm ngoái vẫn tăng 5%, đạt 258 triệu euro.
“Thịt nguội châu Âu ngày càng được tiêu thụ nhiều ở các nhà hàng cũng như nhà riêng của người Việt”, bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM, cho biết.
Hiện nay, Pháp là nguồn cung thịt nguội nhập khẩu lớn thứ 9 ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nước này đang nhìn thấy cơ hội mở rộng thị phần. “Chúng tôi hy vọng với EVFTA, trong tương lai việc nhập khẩu sẽ tăng trưởng hơn vì trong vòng 10 năm tới, thuế nhập khẩu thịt nguội sẽ giảm dần về 0%”, bà Emmanuelle nói.
Với sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Hiệp hội các Doanh nghiệp Thịt nguội Pháp (FICT) và Business France Việt Nam đang tổ chức một chiến dịch kéo dài đến hết 2024 để tăng mức độ thâm nhập của sản phẩm, thông qua quảng bá cửa hàng, mời nhà thu mua Việt Nam sang Pháp để chứng kiến quy trình sản xuất.
Ông Emilien Besnard, Đại diện FICT, cho biết ngành thịt nguội Pháp có hơn 450 sản phẩm khác nhau và một số đã phổ biến tại Việt Nam như dăm bông khô, chín, xúc xích khô, patê các loại. Khoảng 90% các loại thịt nguội được bày bán có thể ăn liền được.
Tại thị trường Việt Nam, ngoài nhập khẩu thịt nguội từ các nước châu Âu như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, còn có các nguồn cung khác như Mỹ, Nga, Hàn Quốc…Đa phần các loại thịt nguội được làm từ thịt heo, góp phần vào xu thế tăng nhập khẩu thịt heo.
Cụ thể, theo số liệu của Cục Thú y Việt Nam, nhập khẩu thịt heo đã tăng đều đặn qua các năm, từ mức 33.000 tấn năm 2018 lên 225.000 tấn vào năm 2020. Đến năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên sản lượng thịt heo nhập khẩu làm thực phẩm giảm 32,5%, còn 143.463 tấn.
Dỹ Tùng