Thành phần dinh dưỡng của tôm – Ông Điền Farm

Thành phần dinh dưỡng của tôm - Ông Điền Farm

Tôm là một trong những hải sản được tiêu thụ phổ biến . Giá trị dinh dưỡng của tôm khá dồi dào, chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên có người cho rằng tôm không hoàn toàn lành mạnh vì hàm lượng cholesterol cao.

1. Thành phần dinh dưỡng của tôm

Nhìn chung, tôm có hàm lượng calo thấp nhưng giàu chất dinh dưỡng. Loại hải sản này chủ yếu được tạo thành từ protein và nước. Trung bình, dinh dưỡng 100g tôm nấu chín có:

  • Năng lượng: 99 calo
  • Chất béo: 0,3 gram
  • Carbs: 0,2 gram
  • Cholesterol: 189 miligam
  • Natri: 111 miligam
  • Protein: 24 gram

Câu hỏi “Ăn tôm nhiều chất dinh dưỡng không?” các chuyên gia trả lời: Tôm cung cấp hơn 20 loại vitamin và khoáng chất, nổi bật trong đó bao gồm:

  • I-ốt
  • Vitamin B12
  • Photpho
  • Đồng
  • Kẽm
  • Magiê
  • Canxi
  • Kali
  • Sắt
  • Mangan
tôm
Tôm cung cấp hơn 20 loại vitamin và khoáng chất

2. Lợi ích sức khỏe từ việc ăn tôm

2.1. Giúp giảm cân

Nhờ chứa ít carbs và calo nhưng lại đầy đủ chất dinh dưỡng, tôm là một lựa chọn lý tưởng nếu bạn đang muốn giảm cân. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến cách chế biến. Nếu bạn chiên tôm với nhiều dầu mỡ hoặc thêm ăn kèm với nước sốt kem thì sẽ không còn thích hợp với chế độ ăn kiêng lành mạnh nữa.

2.2. Chống oxy hóa

Các chất chống oxy hóa trong tôm rất tốt cho sức khỏe, giúp bảo vệ, chống viêm bằng cách ngăn chặn các gốc tự do làm hỏng các tế bào của bạn. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất chống oxy hóa astaxanthin trong tôm ngăn ngừa hình thành nếp nhăn và giảm bớt tác hại của ánh nắng mặt trời, từ đó làm chậm quá trình lão hóa. Chất này cũng đóng vai trò củng cố các động mạch, từ đó làm giảm nguy cơ đau tim và mắc một số bệnh mãn tính. Ngoài ra, astaxanthin cũng có lợi cho sức khỏe não bộ, đề phòng mất trí nhớ và các bệnh thoái hóa thần kinh (như Alzheimer), cũng như làm tăng hàm lượng cholesterol HDL tốt.

2.3. Chứa chất ngăn ngừa bệnh

Giá trị dinh dưỡng của tôm còn được đánh giá cao khi là một nguồn cung cấp dồi dào:

  • I-ốt: Khoáng chất quan trọng, cần thiết cho chức năng tuyến giáp và sức khỏe của não;
  • Selen: Đây là khoáng chất có tác dụng giảm viêm và tăng cường sức khỏe tim mạch, thậm chí có nghiên cứu cho thấy khoáng chất này còn ngăn ngừa một số loại ung thư nhất định;
  • Axit béo omega-6 và omega-3: Mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
tôm
Tôm là nguồn cung cấp chất ngăn ngừa bệnh dồi dào

3. Lo ngại khi ăn quá nhiều tôm

3.1. Hàm lượng cholesterol cao

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra rằng, “Ăn tôm có tốt không?”, khiến nhiều người lo ngại về hàm lượng cholesterol cao có trong tôm. Các chuyên gia từng cho rằng ăn quá nhiều thực phẩm giàu cholesterol sẽ gây hại cho tim. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy mức cholesterol trong cơ thể bạn còn tăng bởi chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống.

Hơn nữa, chỉ 1/4 dân số nhạy cảm với cholesterol trong chế độ ăn uống. Đối với phần còn lại, cholesterol trong chế độ ăn uống có thể chỉ có tác động nhỏ đến mức cholesterol trong máu. Nguyên nhân là do phần lớn cholesterol trong máu sản xuất từ gan của bạn. Khi ăn thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao, gan của bạn sẽ sản xuất ít cholesterol hơn.

Một nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành ăn 300 gram tôm mỗi ngày đã tăng mức cholesterol HDL tốt của họ lên 12% và giảm 13% chất béo trung tính. Đây đều là những yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Do vậy những người tiêu thụ tôm thường xuyên không hề có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người không ăn chúng. Giá trị dinh dưỡng của tôm rất có lợi cho sức khỏe tim mạch, vượt trội hơn mối lo ngại về hàm lượng cholesterol cao. Nếu vẫn còn lo lắng thì tốt nhất là bạn nên dùng tôm với số lượng vừa phải để đảm bảo sức khỏe tối đa.

3.2. Nguy cơ dị ứng

Động vật có vỏ, trong đó có tôm, cũng là nguyên nhân phổ biến gây dị ứng thực phẩm. Tác nhân gây dị ứng trong tôm phổ biến nhất là tropomyosin, một loại protein có trong hải sản, ngoài ra còn có arginine kinase và hemocyanin. Hơn 50% người bị dị ứng với động vật có vỏ chỉ gặp phản ứng lần đầu tiên khi đến tuổi trưởng thành. Nghĩa là nếu trước đây bạn đã từng ăn tôm và hoàn toàn bình thường, nhưng bạn vẫn có nguy cơ bị dị ứng vào một ngày nào đó.

Rối loạn tiêu hóa
Tôm tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng thực phẩm

Các triệu chứng dị ứng tôm có thể bao gồm ngứa ran trong miệng, rối loạn tiêu hóanghẹt mũi hoặc phản ứng trên da. Một số người bị dị ứng tôm cũng có nguy cơ bị sốc phản vệ rất nguy hiểm. Tình trạng này đến đột ngột, có thể dẫn đến co giật, bất tỉnh và thậm chí tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức. Nếu bạn bị dị ứng với tôm, cách duy nhất để ngăn ngừa là tránh ăn tôm hoàn toàn.

3.4. Tôm kém chất lượng

Thông thường, tôm thường dài từ 2,5 – 7,5 cm, nhưng vẫn có nhiều loại tôm khác có kích thước từ nhỏ đến khổng lồ. Tôm sinh sống ở cả vùng nước ấm và lạnh trên khắp thế giới. Khoảng 90% tôm bạn ăn đến từ ao nuôi của người dân, 10% còn lại là do ngư dân đánh bắt từ biển mang về. Một số người thường lo ngại về chất lượng tôm nuôi, cụ thể là nguồn nước ô nhiễm hoặc dư lượng kháng sinh. Vì vậy, điều quan trọng là phải mua tôm từ một nhà cung cấp có uy tín, xuất xứ rõ ràng.

Khi mua tôm sống, hãy lựa chọn những con săn chắc. Vỏ phải có màu trong mờ và xanh xám, nâu hồng hoặc hồng nhạt. Các cạnh bị đen hoặc các đốm đen trên vỏ thường biểu hiện chất lượng kém. Ngoài ra, cả tôm sống và chín đều nên có mùi nhẹ hoặc giống như mùi biển. Không nên dùng tôm nếu ngửi thấy mùi bất thường, đặc biệt là mùi khai nồng như amoniac hoặc mùi tanh nặng. Đây thường là dấu hiệu sự phát triển của vi khuẩn, tôm có thể bị hỏng và không an toàn để tiêu thụ.

4. Cách chế biến tôm

4.1. Sơ chế

Dù chế biến bằng phương pháp nào thì trước tiên bạn cũng cần ngâm tôm trong nước lạnh để rửa sạch. Một số đầu bếp thích dùng nước muối. Kéo phần chân tôm và dùng ngón tay cái để tách vỏ tôm ra khỏi phần thịt. Sau đó bạn có thể dễ dàng loại bỏ phần đầu và đuôi tôm (tùy ý).

Nhiều người cũng loại bỏ cả phần chỉ màu đen chạy dọc theo lưng tôm, đây thực chất là đường tiêu hóa chứa dạ dày và đại tràng của tôm. Mặc dù không ảnh hưởng tới sức khỏe, tuy nhiên chúng ta đã có thói quen bỏ chúng đi. Cách đơn giản là dùng dao nhỏ chẻ lưng tôm để lộ phần chỉ đen, lấy đầu nhọn của dao hoặc tăm để rút ra. Sau khi đã sơ chế xong, rửa sạch tôm và để ráo nước.

sơ chế tôm
Dùng tay hoặc kéo tách hết vỏ tôm ra khỏi phần thịt

4.2. Chế biến

Bạn có thể nấu tôm theo nhiều cách khác nhau, nhưng một số phương pháp lành mạnh thường được khuyến nghị bao gồm:

  • Luộc
  • Hấp
  • Nướng
  • Xào

Cần đảm báo nấu tôm chín hoàn toàn. Dấu hiệu cho thấy món tôm đã sẵn sàng để thưởng thức là khi chúng cuộn tròn gần giống chữ “C”, từ màu xám chuyển sang hồng cam.

4.3. Bảo quản

Nếu không thể mua được tôm tươi còn sống, bạn có thể dùng loại tôm đông đá bày bán tại các siêu thị, với điều kiện là phải chế biến càng sớm càng tốt. Các chuyên gia thực phẩm khuyên không nên trữ đông tôm thêm lần nữa sau khi đã rã đông. Độ dai mềm và hương vị của tôm đông đá chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều so với tôm tươi.

Nhìn chung, tôm là một thực phẩm lành mạnh nên thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày. Giá trị dinh dưỡng của tôm có nhiều lợi ích sức khỏe vì là một nguồn vitamin, khoáng chất và protein phong phú, giúp thúc đẩy sức khỏe tim mạch và trí não. Mặc dù tôm có cholesterol cao, nhưng không tác động tiêu cực đến sức khỏe, thậm chí còn giúp giảm lượng chất béo trung tính và cholesterol xấu LDL của bạn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *