Đất hữu cơ là nhân mạch chính để tạo ra rau, quả hữu cơ. Nhờ đó rau, quả hữu cơ mới chứa các hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời mà con người muốn thưởng thức.
Trên thị trường hiện nay, rau, quả hữu cơ đang có giá cao hơn rất nhiều so với thực phẩm thông thường, thậm chí gấp hai, gấp ba lần. Tuy nhiên, xu hướng và nhu cầu lựa chọn thực phẩm hữu cơ của xã hội vẫn ngày càng tăng cao. Bởi vì lý do gì? Khi mà rau quả hữu cơ chưa chắc đã ngon hơn các loại rau quả khác.
Giá trị đặc biệt của rau, quả hữu cơ
Rau, quả hữu cơ là những loại hoa màu được trồng theo phương pháp tự nhiên, không có sự tác động bên ngoài của con người đến việc sinh trưởng của chúng.
Điểm chung của trồng rau, quả hữu cơ là luôn hướng đến việc thúc đẩy cân bằng sinh thái, đa dạng và bảo tồn đa dạng sinh học, đáp ứng các tiêu chí: Không phân bón hóa học; không chất diệt cỏ; không thuốc trừ sâu độc hại; không chất biến đổi gen; không chất kích thích sinh trưởng.
Điều này có nghĩa là rau, quả hữu cơ phải được trồng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên. Để đáp ứng tiêu chí này, đòi hỏi một quy trình trồng trọt và chăm sóc phức tạp, yêu cầu cao. Đây là yếu tố khiến chúng trở thành “món quà đắt đỏ” của tự nhiên.
Nhưng thật ra rau, quả hữu cơ chưa chắc đã hấp dẫn và ngon hơn rau, quả thường. Vì được trồng tự nhiên nên rau, quả hữu cơ khá nhỏ nhắn, màu sắc nhạt, không quá bắt mắt.
Song chúng thắng ở giá trị dinh dưỡng và hương vị tươi mới. Rau, quả hữu cơ có chỉ số dinh dưỡng cao hơn nhiều so với rau, quả thông thường, giàu hàm lượng vitamin C, sắt, magie, phốt pho và một số chất chống oxy hóa có tác dụng chống bệnh ung thư.
Đặc biệt điều quan trọng khiến rau, quả hữu trở thành xu hướng và nhu cầu tất yếu hiện nay là mức độ sạch sẽ, an toàn cho sức khỏe.
Theo Eat This, Not That, một nghiên cứu mới được xem xét từ Nhóm Công tác Môi trường Hoa Kỳ (EWG) đã phân tích 80.000 loại thực phẩm, phát hiện ra rằng các sản phẩm chế biến hữu cơ chứa ít thành phần ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hơn so với thực phẩm chế biến không hữu cơ.
Trồng rau, quả hữu cơ phải bắt đầu từ đất
Đất hữu cơ cho cây hữu cơ. Theo tiêu chuẩn của hiệp hội nông nghiệp thì rau, quả hữu cơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn nước, nguồn giống, không phân bón hay thuốc trừ sâu, nguồn đất và hàm lượng dinh dưỡng. Nhưng để trồng rau, quả hữu cơ thì trước hết phải là đất hữu cơ.
Nguồn đất hữu cơ là một nơi dồi dào vi sinh vật, màu mỡ để trồng các loại cây, kể cả rau, quả hữu cơ khó trồng.
Hiện có nhiều loại rau được trồng theo phương pháp thủy canh với hệ thống tưới nhỏ giọt cũng được gọi là rau hữu cơ. Nhưng với quan niệm của những người nông dân theo hệ đất thì thủy canh hữu cơ là một điều không thể và hoàn toàn không đạt chuẩn.
Làm sao chỉ với chút xơ dừa và bón nguồn thức ăn vào nước tưới đã tạo ra được rau quả hữu cơ? Đối với người tiêu dùng là bạn, sẽ có cái nhìn về vấn đề này như thế nào?
Giá trị dinh dưỡng của nguồn đất mẹ
Trong nguồn đất mẹ hữu cơ có một hệ thống vi sinh đất phát triển rất đa dạng. Các động vật trong đất và vi khuẩn cùng tồn tại, kết hợp với nhau tạo nên những mối quan hệ cộng sinh với cây trồng. Mỗi loại đều có một tác dụng khác nhau đối với đất, tạo ra sự đa dạng nhưng cân bằng và duy trì được thành phần dinh dưỡng trong đất.
Đất hữu cơ là nhân mạch chính để tạo ra rau, quả hữu cơ. Nhờ đó rau, quả hữu cơ mới chứa các hàm lượng dinh dưỡng tuyệt vời mà con người muốn thưởng thức.
Ở mỗi vùng đất riêng biệt, kết hợp giữa yếu tố thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu mà các thành phần vi lượng trong đất sẽ khác nhau, tạo nên sự đặc trưng cho sản phẩm. Điển hình như các loại sản phẩm quý giá như đông trùng hạ thảo chỉ có tự nhiên ở Tây Tạng, hay sâm Cao Ly, sâm Ngọc Linh.
Bạn có thể đem sâm Cao Ly trồng ở Ngọc Linh, với điều kiện khí hậu như nhau, nhưng chắc chắn sẽ không thể đạt kết quả tương tự. Bởi vì thành phần sâm Cao Ly bây giờ đã bị thay đổi do thành phần đất thay đổi. Dù chỉ là một thành phần nhỏ vi lượng thay đổi cũng quyết định được sự đặc biệt của sản phẩm.
Môi trường đất tự nhiên tạo nên những mối cộng sinh hữu cơ tuyệt vời
Cây có thể phát triển tốt hay không là nhờ có rễ cây. Tuy nhiên, rễ cây lại có khả năng hấp thụ hạn chế và thường không đi tới được những nơi chứa chất dinh dưỡng.
Rau quả nhờ được trồng ở vùng đất hữu cơ, hoàn toàn có thể phát triển tự nhiên với đầy đủ thành phần dưỡng chất mà cây cần. Bởi vì trong đất hữu cơ có những loại vi khuẩn chuyên biệt và nấm mốc chỉ hợp tác với rễ cây tạo nên những mối quan hệ cộng sinh tuyệt vời.
Vi khuẩn rhizobacteria
Mối quan hệ cộng sinh đầu tiên phải kể đến là vi khuẩn rhizobacteria. Vi khuẩn này được hình thành nhờ vào rễ cây họ đậu, là một nơi trú ngụ tuyệt vời cho chúng. Và ngược lại, chúng chuyển hóa nitơ thể khí thành chất dinh dưỡng mà cây có thể hấp thụ được. Nhờ chất phosphate, nó giải phóng chuyển hóa các loại chất dinh dưỡng không hòa tan để cây có thể hấp thụ dễ dàng các khoáng chất.
Vi khuẩn này tồn tại xung quanh rễ cây và hình thành các khuẩn lạc hay còn gọi là các nốt sần ở rễ cây và được nông dân quen gọi là vi khuẩn cố định đạm. Nhờ hình thành xung quanh rễ cây, nó còn có chức năng tạo màng bọc bảo vệ rễ cây, ngăn chặn sự tấn công từ các yếu tố gây bệnh bên ngoài.
Nấm rễ mycorrhiza
Ngoài vi khuẩn rhizobacteria, trong đất còn có một mối quan hệ cộng sinh khác là nấm rễ mycorrhiza. Đây là một loại nấm rễ sinh trưởng tự nhiên trong đất. Tuy rằng hiện nay nó chỉ còn được tìm thấy trong một số ít đất nông nghiệp. Nhưng loại nấm rễ này lại có tác dụng vô cùng quan trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Nấm rễ nhờ vào các sợi nấm tơ mảnh có thể dễ dàng xuyên qua các tầng xốp trong lớp đất, đi sâu dưới lòng đất và hình thành một mạng lưới nấm rễ khổng lồ vững chắc. Những sợi nấm này sẽ vận chuyển các chất dinh dưỡng và nước có trong đất đến cho cây hấp thụ.
Nấm rễ càng phát triển tốt, sự hợp tác càng thành công sẽ giúp cây trồng nâng cao sức đề kháng đối với các loại sâu bệnh và phát triển tốt. Nhờ hệ thống nấm rễ tồn tại bao quanh rễ cây, làm cho mầm bệnh không thể tồn tại, đồng thời làm giảm không gian sinh trưởng của cỏ dại.
Để củng cố mối quan hệ hai chiều, cây thực hiện quang hợp sẽ cung cấp một phần glucozơ cho nấm rễ. Và đương nhiên nó cũng chỉ là một phần chất dinh dưỡng không đáng kể so với những gì cây thu được nhờ nấm rễ.
Hãy bắt đầu từ cải tạo đất hữu cơ
Có thể thấy được tầm quan trọng của đất hữu cơ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay thật sự còn bao nhiêu vùng đất được xem là hữu cơ?
Sự lạm dụng sử dụng phân bón tổng hợp và thuốc BVTV đã làm cho đất trở nên nghèo dinh dưỡng và khô cằn. Nhờ nguồn đất hữu cơ mà các cây trồng được bảo vệ bởi các vi khuẩn và nấm mốc. Nhưng phân bón tổng hợp đã làm mất đi sự cân bằng sinh học trong đất, làm biến mất các loại vi khuẩn và nấm mốc bảo vệ cho cây.
Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp làm xấu đất và là tiền đề khiến chúng ta phải sử dụng thuốc BVTV sau này. Và tất nhiên, đất đã không còn là đất hữu cơ, rau cũng không còn sạch.
Không phải chỉ một, hai tháng hay một, hai năm là đã có thể cải tạo thành đất hữu cơ. Mà đó là cả một quá trình lâu dài và xuyên suốt để có thể đưa những mảnh đất nông nghiệp cằn cỗi, sỏi đá trở về trạng thái ban đầu.
Xây dựng nông nghiệp hữu cơ
Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch. Mục đích của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe, tối ưu năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người.
Hãy trồng 1 mảnh vườn rau, quả hữu cơ để có nhiều loại thực phẩm an toàn hơn cho sức khỏe sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Cũng như có một môi trường tự nhiên, trong lành hơn. Sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm hồn luôn cần được nuôi dưỡng.
Trên những mảnh đất nông nghiệp, thực hiện quy hoạch thành vườn cây lâu năm, vừa để giữ đất, kết hợp trồng cây rau màu và cây họ đậu vừa cải tạo đất, vừa có thể nâng cao giá trị trên đất.
Phương thức để cải tạo đất cũng là một quá trình thủ công và thuần tự nhiên theo hai phương pháp:
Trồng cây đậu lạc
Ai làm nông nghiệp cũng biết cách truyền thống và hiệu quả nhất là cải tạo đất bằng cách trồng các loại cây họ đậu, đặc biệt là cây đậu lạc. Trồng đậu lạc có tác dụng giữ đất, giúp che phủ đất tốt và giàu dinh dưỡng.
Bởi vì có nhiều vi khuẩn nốt sần tồn tại xung quanh rễ cây giúp cố định nitơ từ không khí, từ đó tạo ra đạm sinh học cho đất. Nhờ sự phát triển của rễ cây, làm cho đất tơi xốp và tăng độ dinh dưỡng của đất.
Sử dụng phân trùn quế
Theo nghiên cứu một loại phân bón sinh học an toàn và dinh dưỡng nhất hiện nay cũng được sử dụng để cải tạo đất là phân trùn quế.
Đây được xem là phân bón hữu cơ tốt cho cây trồng. Phân trùn quế ngoài chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, còn là một môi trường tốt để vi sinh vật đất phát triển. Nhờ đó làm gia tăng hệ sinh học đất, hồi sinh lại đất nghèo dinh dưỡng và chuyển hóa khoáng chất cho cây trồng dễ hấp thụ.
Cây khỏe nhờ đất khỏe
Việc cải tạo đất cũng chỉ là một phần nhỏ trong các giải pháp. Để trồng rau, quả hữu cơ thì nên giải quyết tận gốc nguyên nhân làm đất xấu. Hãy chăm sóc đất trước khi đất chăm sóc lại cây cho chúng ta.
Hãy ngừng sử dụng phân bón và thuốc BVTV, hãy để cho đất và cây có thể tự do phát triển.
Hệ sinh học đất lành mạnh, đất sẽ khỏe. Đất khỏe cây sẽ khỏe. Và nếu cây khỏe mạnh, chúng có thể ngăn chặn hầu hết các bệnh thực vật tấn công chúng. Đất khỏe sẽ tạo ra nguồn thực phẩm hữu cơ. Đất khỏe chính là nguồn nhân mạch tốt nhất, đáng tin cậy nhất để trồng rau hữu cơ. Bởi vì chúng biết cây cần gì để cung cấp và hấp thụ cho cây.