Là một trong những quốc gia “trũng” nhất thế giới, Hà Lan đang phát triển mô hình trang trại nổi như một cách thích nghi với biến đối khí hậu.
Ở thành phố cảng Rotterdam, nơi đất đai khan hiếm và biến đổi khí hậu là mối đe dọa hàng ngày, một trang trại bò ba tầng với cấu trúc thép và kính kết hợp mọc lên ngay phía trên mặt nước, cạnh các cần cẩu và container, được xem như tương lai của ngành chăn nuôi Hà Lan.
Những con bò sống ở tầng trên. Sữa của chúng được chế biến thành pho mát, sữa chua và bơ ở tầng giữa, trong khi pho phát tiếp tục được nấu chín ở tầng dưới cùng.
“Thế giới đang chịu nhiều áp lực. Vì vậy, chúng tôi muốn phát triển một mô hình trang trại bền vững, có khả năng tự cung cự cấp càng nhiều càng tốt”, Minke van Wingerden, 60 tuổi, người điều hành trang trại cùng chồng là Peter, nói với AFP.
Với trang trại nổi đầu tiên, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2019, Peter và Minke muốn “đưa vùng nông thôn vào thị trấn”, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và mở rộng không gian nông nghiệp.
Người Hà Lan không lạ gì với những phương pháp canh tác tiên tiến, chẳng hạn như mạng lưới nhà kính khổng lồ đưa họ trở thành nước xuất khẩu nông sản lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, nhưng điều đó đã phải trả giá.
Hà Lan hiện là quốc gia phát thải khí nhà kính bình quân đầu người hàng đầu châu Âu và phải đối mặt với vấn đề lớn về khí thải nông nghiệp, đặc biệt là khí methane từ lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.
Lượng khí thải đó tiếp tục thúc đẩy nước biển dâng cao, đe dọa các đầm lầy và vùng đất trũng nằm dưới mực nước biển. Hệ quả là làm giảm diện tích đất ở một trong những quốc gia có mật độ dân số dày đặc nhất thế giới.
“Với bệ nổi trên mặt nước, trang trại có thể dâng lên và hạ xuống hai mét theo thủy triều. Do đó, trong trường hợp lũ lụt, chúng tôi vẫn có thể tiếp tục sản xuất”, Mike nói thêm. “Những con bò không bị say sóng. Nước chỉ chuyển động một chút giống như bạn ở trên một con tàu du lịch”.
Đàn bò tại trang trại được cung cấp hỗn hợp thức ăn bao gồm nho từ một cửa hàng thực phẩm, ngũ cốc từ một nhà máy bia và cỏ từ các sân golf địa phương và từ câu lạc bộ bóng đá Feyenoord nổi tiếng của Rotterdam – giúp giảm chất thải và khí thải.
Phân bò được sử dụng làm phân bón, trong khi nước tiểu được lọc sạch và tái chế thành nước uống cho gia súc. Trang trại còn có khả năng tự cung cấp điện nhờ được trang bị hàng chục tấm pin mặt trời.
Các sản phẩm từ sữa cuối cùng được bán tại một cơ sở ven đường cũng như cung cấp cho chuỗi nhà hàng trong thành phố.
Peter và Minke có kế hoạch xây dựng thêm trang trại nổi thứ hai ở Hà Lan để trồng rau và “xuất khẩu” ý tưởng của mình với một dự án khác đang được triển khai ở Singapore. Điều này rất có ý nghĩa vì trồng trọt khiến hành tinh trở nên xanh hơn, trong khi ngành chăn nuôi thì không.
Đoàn Dương (Theo AFP)